Thưa luật sư, Trên đường từ chỗ làm về nhà, tôi bị cảnh sát cơ động thổi phạt về hành vi rẽ không bật đèn tín hiệu. Theo như tôi biết thì xử phạt vi phạm này không thuộc quyền hạn của CSCĐ. Tôi muốn biết hành vi dừng xe, yêu cầu tôi về trụ sở công an giao thông giải quyết là đúng luật hay không ạ?
Phạm Văn Thanh, Hà Nội
Trả lời:
Về vấn đề bạn thắc mắc, chúng tôi xin trả lời như sau:
Theo Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 02/04/2010 và Nghị định số 71/2012/NĐ-CP ngày 19/09/2012 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ – đường sắt:
Tại Khoản 3 Điều 47 Nghị định số 34/2010/NĐ-CP về phân định thẩm quyền xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thì các lực lượng như CSTT, CS113, CSCĐ, Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, trưởng công an cấp xã trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao có liên quan đến TTATGT đường bộ có thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi vi phạm sau:
– Đỗ xe chiếm một phần đường xe chạy mà không đặt ngay báo hiệu nguy hiểm ở phía trước và phía sau xe theo quy định.
– Bấm còi hoặc gây ồn ào, tiếng động lớn làm ảnh hưởng đến sự yên tĩnh trong đô thị và khu đông dân cư.
– Dừng xe không sát theo lề đường, hè phố phía bên phải theo chiều đi hoặc bánh xe gần nhất cách lề đường, hè phố quá 0,25 m.
– Quay đầu xe tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt.
– Đi vào đường cấm, khu vực cấm; đi ngược chiều của đường một chiều, trừ trường hợp xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định.
– Dừng xe, đỗ xe, quay đầu xe trái quy định gây ùn tắc giao thông; tụ tập từ 3 (ba) xe trở lên ở lòng đường, trên cầu, trong hầm đường bộ.
– Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông hoặc kiểm soát giao thông.
– Điều khiển xe trong tình trạng say xỉn.
– Điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy.
– Điều khiển xe lạng lách, đánh võng, chạy quá tốc độ đuổi nhau trên đường bộ.
– Người điều khiển xe hoặc người ngồi trên xe bám, kéo, đẩy xe khác, vật khác, dẫn dắt súc vật, mang vác vật cồng kềnh; người ngồi trên xe đứng trên yên, giá đèo hàng hoặc ngồi trên tay lái; xếp hàng hóa trên xe vượt quá giới hạn quy định; điều khiển xe kéo theo xe khác, vật khác.
– Người điều khiển, người ngồi trên xe không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông trên đường bộ. Trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 6 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật.
– Chạy trong hầm đường bộ không sử dụng đèn chiếu sáng; dừng xe, đỗ xe, vượt xe trong hầm đường bộ không đúng nơi quy định; quay đầu xe trong hầm đường bộ.
– Điều khiển xe thành đoàn gây cản trở giao thông…
Cũng theo Điểm d – Khoản 1 – Điều 11 và Điểm c, Điểm d – Khoản 3 – Điều 10 thì các lực lượng trên không được xử phạt các vi phạm: Không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường, đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định…
Tuy nhiên, CSCĐ vẫn có quyền kiểm tra hành chính nếu thấy đối tượng có dấu hiệu nghi vấn.
Như vậy, nếu CSCĐ thổi phạt bạn vì lỗi rẽ không bật đèn tín hiệu là không đúng chức trách, nhiệm vụ quyền hạn. Bạn có quyền khởi kiện dựa vào biên bản đã lập.